Điều tra khảo sát tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa và nhu cầu được học tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh là 1 nội dung quan trọng trong Đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Khung mẫu điều tra xã hội học được thực hiện trên 800 người ở 4 huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi và Cao Phong. Việc điều tra khảo sát được lựa chọn trên cơ sơ đảm bảo đại diện cho các ngành nghề khác nhau như: Cán bộ, công chức cấp xã, huyện, giáo viên từ bậc học Mầm non đến THPT; HSSV, nhân dân, người lao động. Mục đích của hoạt động điều tra, khảo sát là tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa 4 Mường, nhu cầu được học tiếng nói và chữ viết Mường của Nhân dân.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận 3 nội dung: Khảo sát, điều tra xã hội học về hiểu biết chữ Mường và nhu cầu được học tiếng nói, chữ viết Mường tại 4 Mường trên từng đối tượng; điều tra về ngôn ngữ tiếng Mường tại 4 huyện Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn, Kim Bôi; trao đổi, thảo luận, rút kinh nghiệm chuẩn bị cho việc xây dựng chương trình và viết tài liệu giảng dạy tiếng nói và chữ viết dân tộc Mường cho các đối tượng. Nội dung trao đổi thảo luận tại hội thảo là một trong những căn cứ quan trọng để xây dựng và thực hiện chương trình dạy và học tiếng dân tộc Mường cho các cấp học và cho các đối tượng người học trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: Báo Hòa Bình
Liên kết gốc: Hội thảo đánh giá kết quả khảo sát tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa và nhu cầu được học tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường