Tuyển sinh 2020: Vì lợi ích cao nhất của người học

Written by  03 12, 2020

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tuyển sinh năm 2019 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 được tổ chức ngày 13/2 với 7 đầu cầu: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên, Tây Nguyên, Cần Thơ. Dự Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ, đại diện lãnh đạo các trường đại học và các Sở GDĐT.

Giữ ổn định tuyển sinh, đảm bảo chất lượng đầu vào

Báo cáo tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, công tác tuyển sinh năm 2019 được đánh giá là thành công trên nhiều phương diện. Quy chế, quy trình tuyển sinh được hoàn thiện, công nghệ thông tin được áp dụng triệt để trong tất cả các khâu tuyển sinh đảm bảo khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, giảm tối đa thí sinh ảo và kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu tuyển sinh.

Việc tuyển sinh đảm bảo quyền tự chủ của trường theo đúng quy định của pháp luật, minh bạch thông tin trong đề án tuyển sinh và kết quả tuyển sinh. Suốt quá trình thực hiện xét tuyển, Ban Chỉ đạo quốc gia và các trường, nhóm trường đã có sự phối hợp chặt chẽ, nên quy trình xét tuyển ổn định.

Năm 2019, phần mềm tuyển sinh đã phát huy tác dụng cho thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất và giúp trường thống kê, dự tính được thí sinh ảo để chủ động tuyển sinh. Hệ thống này hoạt động ổn định, không có hiện tượng nghẽn mạng.

“Điểm trúng tuyển phản ánh phân loại chất lượng giữa các nhóm trường khá rõ ràng, là cơ sở để người học, cơ quan quản lý, xã hội đánh giá, giám sát. Điểm trúng tuyển của khối sư phạm tăng nhẹ cùng với mức tăng điểm sàn; mặt bằng điểm trúng tuyển của các ngành sức khoẻ đồng đều hơn so với năm trước” - Bà Nguyễn Thị Kim Phụng nói.

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác tuyển sinh 2019 còn một số hạn chế cần khắc phục như một số cơ sở đào tạo xác định tổ hợp không phù hợp với ngành đào tạo; quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thấp hoặc nhập điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố; tỷ lệ thí sinh trúng tuyển, nhập học vào ngành sư phạm thấp…

Về công tác tuyển sinh năm 2020, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, Bộ GDĐT đã rà soát, sửa đổi bổ sung và đang xin ý kiến góp ý Quy chế tuyển sinh và Quy chế xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Căn cứ vào ý kiến góp  ý, Vụ Giáo dục Đại học sẽ tập hợp để hoàn thiện và ban hành quy chế.

Thảo luận tại Hội nghị, đại diện Sở GDĐT Hà Nội, Phó Giám đốc Phạm Văn Đại đánh giá công tác tuyển sinh những năm gần đây ngày càng hoàn thiện và tiến bộ hơn. Cùng quan điểm, PGS.TS. Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, với những thành công, thuận lợi đã có, năm 2020 nên giữ ổn định vì quyền lợi chung của xã hội.

GS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: “Công tác thi THPT quốc gia 2019 tổ chức tốt, được sự đồng tình cao của xã hội là nhờ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, nỗ lực hợp tác của các trường, sở. Năm 2020, cần tiếp tục chú trọng tập huấn công tác chấm thi trắc nghiệm và công tác hướng dẫn thí sinh đăng ký hồ sơ để thuận lợi cho các em”.

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, từ thành công của công tác tuyển sinh 2019, trường Đại học Bách khoa Hà Nội thống nhất chủ trương, tuyển sinh 2020 cơ bản giữ ổn định như năm vừa qua. Trường sẽ tích cực tham gia công tác coi thi, chấm thi THPT quốc gia, để đảm bảo độ tin cậy trong kết quả, làm căn cứ cho các trường có nhu cầu sử dụng kết quả để xét tuyển đại học, cao đẳng.

Trung thực trong thông tin hướng nghiệp cho học sinh

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác tuyển sinh 2019, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị năm 2020 việc tuyển sinh phải tốt hơn nữa.

Theo đó, để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh, Sở GDĐT phải chỉ đạo các trường THPT tập trung dạy học, ôn tập cho học sinh thi THPT quốc gia theo hướng dẫn của Bộ, tránh tình trạng học lệch, học tủ. Việc cho điểm trong học bạ phải đảm bảo trung thực, khách quan, để đảm bảo độ chính xác và chất lượng cho công tác tuyển sinh theo hình thức xét học bạ mà nhiều trường đại học, cao đẳng đang áp dụng.

Đối với công tác hướng nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh Sở GDĐT cần chú trọng chỉ đạo các trường THPT quan tâm sát sao việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, bằng nhiều hình thức. Đây là nhiệm vụ và trách nhiệm của các nhà trường, nhằm giúp học sinh lựa chọn được ngành nghề phù hợp, phát huy được sở trường của bản thân và đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Các trường đại học, cao đẳng trong công tác tư vấn hướng nghiệp cần cung cấp thông tin trung thực nhà trường, không “đánh bóng danh tiếng” gây nhiễu thông tin để thí sinh đăng ký xét tuyển. Việc tư vấn tuyển sinh cần đổi mới phương thức, có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động để đưa ra các yêu cầu nghề nghiệp chính xác cho học sinh, phụ huynh tham khảo, lựa chọn.

Mở ngành mới phải có cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn

Việc xây dựng phương án tuyển sinh được đánh giá là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của cơ sở giáo dục đại học, ảnh hưởng lớn tới chất lượng tuyển sinh và công tác đào tạo của trường. Do đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học phải tính toán kỹ lưỡng, có nghiên cứu và phân tích thị trường để đưa ra quyết định về việc mở ngành mới.

“Các ngành đạo tạo khi mở ra cần được tính toán kỹ lưỡng, có căn cứ khoa học và thực tiễn, tránh tình trạng chỉ căn cứ vào nhu cầu nhất thời của một số đơn vị để mở ngành. Việc làm đó sẽ khiến quyền lợi người học không được bảo đảm, ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của nhà trường, uy tín của hệ thống cũng bị rủi ro” - Bộ trưởng nói, đồng thời nhấn mạnh “năm 2020 phải chấm dứt tình trạng này”.

Việc một số cơ sở giáo dục đại học đưa ra những tổ hợp xét tuyển không phù hợp với ngành đào tạo, dẫn đến băn khoăn, bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục đại học, cũng được yêu cầu không để lặp lại trong năm 2020.  

Năm 2019, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 cao (115,39% chỉ tiêu) nhưng nhập học thấp (63,89% so với số trúng tuyển), theo Bộ trưởng GDĐT có nguyên nhân của việc trường đại học xây dựng chỉ tiêu chưa sát với thực tiễn. Từ việc nhu cầu của người học ít, một số trường căn cứ vào đó để hạ ngưỡng đầu vào. Bộ trường Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường đã và có ý định áp dụng “kỹ thuật” này trong tuyển sinh phải thay đổi cách tiếp cận.

“Bây giờ không phải là tiếp cận theo hướng nhất quyết phải tuyển đủ chỉ tiêu, đông người học mà là tuyển người học có chất lượng không. Người học đông nhưng quá trình đào tạo thì đào thải nhiều, chất lượng đầu ra không đảm bảo thì cũng sẽ khó được thị trường lao động chấp nhận” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến một số trường sư phạm và Sở GDĐT địa phương về việc có cơ chế đặc thù cho một số ngành đào tạo giáo viên đang có nhu cầu nhân lực cao để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng cho biết, sẽ có hướng dẫn riêng về vấn đề này. Tuy nhiên, “những ngành đặc thù, chúng ta có cơ chế riêng nhưng không phải vì đặc thù mà hạ chất lượng”.

Căn cứ các ý kiến đồng thuận từ hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kết luận, công tác tuyển sinh năm 2020 về cơ bản giữ ổn định như năm 2019. Ban soạn thảo của Bộ sớm hoàn thiện và ban hành Quy chế tuyển sinh 2020. Quy chế này sau khi ban hành cần được các trường phổ biến đầy đủ cho cán bộ làm công tác tuyển sinh, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của trường, nhằm đảm bảo việc tuyển sinh 2020 sẽ diễn ra thuận lợi, thành công, vì lợi ích cao nhất của người học.

Sửa lần cuối vào Thứ năm, 12 Tháng 3 2020 18:55
Ban Quản trị

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình có sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trường học từ bậc học mầm non đến trung học cơ sở; đào tạo nguồn nhân lực cho một số lĩnh vực khác đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hòa Bình.

Website: www.cdsphoabinh.edu.vn
  1. Bài viết nhiều người đọc
  2. Bài viết ưa thích

WE GO TO SCHOOL FOR A BETTER FUTURE

The french documentary film "Sur le chemin de l'école" (On the way to school) created by Pascal Plisson had a tremendous success in France and abroad. It shows what "going to school" means for four children living in Morocco, Kenya, Argentina and India. It is a fantastic educational tool. Yves sent us the DVD to show it to our students. Although in french, it has english subtitles and the stories it depicts speak for themselves. Not only does the film show the difficulties encountered by the students during their daily journey to school but it also shows the determination of these children and therefore their conscience that being educated is something not to be missed whatever the difficulties are. A spontaneous discussion took place after this event. The students were so enthusiastic that they have been invited to report their emotions, their empathy and their awareness through writings and drawings. These testimonies were then collected and compiled in the following book.

LỊCH - THỜI GIAN

« January 2025 »
Mon Tue Wed Thu Fri Sat Sun
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    

Chuyên mục