Tới dự Hội thảo có nhà giáo: Nguyễn Thị Lệ Hường - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Hoà Bình
Nhà giáo Đào Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Hoà Bình
Nhà giáo: Nguyễn Yến Ngọc - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình
Với đặc thù là tỉnh miền núi có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm trên 63% dân số. Vì vậy, việc bồi dưỡng tiếng nói, chữ viết, văn hóa, bản sắc dân tộc Mường cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.
Nhằm mục đích giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường, đặc biệt là bảo tồn tiếng nói và chữ viết của dân tộc Mường, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1349/QĐ-UBND ngày 08/6/2019 và Quyết định số 1139/QĐ-UBND ngày 31/5/2023 để thực hiện Đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường giai đoạn 2018-2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (sau đây gọi là Đề án tiếng Mường). Sau khi Đề án được phê duyệt, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao Sở GD&ĐT là đơn vị chủ trì, trường CĐSP Hòa Bình là đơn vị tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, Trường CĐSP Hòa Bình luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức thực hiện Đề án và thu được những kết quả nhất định.
Tại Hội thảo đánh giá các điều kiện dạy học tiếng Mường trong trường phổ thông do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 25/5/2023 tại tỉnh Hoà Bình, Bộ GD&ĐT đã khẳng định, trong 3 tỉnh có nhiều người Mường sinh sống và làm việc (gồm Hoà Bình, Phú Thọ, Thanh Hoá) thì đến thời điểm hiện tại, Hoà Bình là tỉnh duy nhất có bộ chữ Mường được phê chuẩn, ban hành theo Quyết định số 2295/QĐ-UBND ngày 08/9/2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hoà Bình. Việc ban hành bộ chữ Mường đã giúp cho dân tộc Mường lần đầu tiên chính thức có bộ chữ riêng. Đây thật sự là một bước đi đột phá khẳng định quyết tâm và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà đối với việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường nói chung cũng như việc dạy và học tiếng dân tộc Mường trong cộng đồng dân cư và trong các trường phổ thông nói riêng.
Năm 2024, bước sang năm thứ 6 triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự ủng hộ, tạo điều kiện, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện/thành phố; các cơ quan, tổ chức có liên quan và bà con nhân dân, Đề án tiếng Mường đã được triển khai đúng kế hoạch, lộ trình và đạt được những kết quả rõ nét trên bốn phương diện:
Thứ nhất: Công tác khảo sát, nắm bắt nhu cầu dạy và học tiếng dân tộc Mường
Thứ hai: Về xây dựng đội ngũ giảng viên, giáo viên cốt cán giáo viên dạy tiếng dân tộc Mường
Thứ ba: Về xây dựng chương trình, tài liệu dạy tiếng dân tộc Mường
Thứ tư: Tích cực chuẩn bị các điều kiện và tham mưu cho Sở GD&ĐT báo cáo, đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép triển khai thực nghiệm dạy và học tiếng Mường trong các đơn vị trường học (trường Tiểu học, trường THCS, trường TH&THCS, trường THPT, trường PTDTNT, các trung tâm GDTX-GDNN) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
Hôm nay, trường Cao đẳng Sư phạm Hoà Bình tổ chức Hội thảo thí điểm đánh giá tài liệu tiếng Mường cho sinh viên cao đẳng, học sinh trung cấp chuyên nghiệp và sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Hoà Bình theo Đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường - Giai đoạn 2018-2030 tầm nhìn đến 2035 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình nhằm đóng góp các ý kiến để việc dạy và học tiếng dân tộc Mường theo Đề án được tốt hơn.
Các khách mời, nghệ nhân, giảng viên cốt cán, sinh viên, học sinh sẽ thực hiện chương trình hội thảo từ ngày 16 đến ngày 20/5/2024.
Nhà giáo Nguyễn Thị Lệ Hường chủ trì Hội thảo
*B.H*