Kinh nghiệm quản trị, quản lý điều hành hoạt động của trường Phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành thuộc trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình

Written by  04 29, 2020

 

Kinh nghiệm quản trị, quản lý điều hành hoạt động của trường Phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành thuộc trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình

Thạc sỹ: Lê Thị Thu Hương,

Phó trưởng phòng QLKH&BD

email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.. Phone: 0397606267

Thạc sỹ: Ngô Thị Thùy Hương,                

Hiệu trưởng trường PT Nguyễn Tất Thành

email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

I. Đặt vấn để

            Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020 là xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đủ về số lượng, ổn định và phát triển về chất lượng. Trong đó, các trường sư phạm góp phần tạo nền tảng cho công cuộc đổi mới giáo dục giáo dục đất nước theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Để đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông báo số 493/TB-BGDĐT kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển về vấn đề thiết lập xây dựng các mô hình trường thực hành sư phạm đảm bảo đến năm học 2016-2017 tất cả các cơ sở đào tạo giáo viên có mạng lưới trường thực hành để đáp ứng yêu cầu đào tạo.

            Theo xu hướng giáo dục hiện đại, việc gắn lý thuyết với thực hành trong đào tạo nguồn nhân lực tại các cơ sở giáo dục đại học nói chung, trong các cơ sở đào tạo giáo viên nói riêng là một đòi hỏi tất yếu. Ngoài thực hành, thực tập tại các trường phổ thông bên ngoài nhà trường, việc thiết lập và vận hành các cơ sở, trường thực hành giáo dục trong mỗi trường đại học, cao đẳng sư phạm là hết sức cần thiết tạo ra một môi trường thực hành nghề nghiệp thực tiễn nhất cho sinh viên, học viên sư phạm.

            Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Hòa Bình là cơ sở đào tạo duy nhất của tỉnh Hòa Bình có chức năng đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở cho tỉnh. Nhiều năm qua, nhà trường đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Hòa Bình. Hàng năm có khoảng từ 300 đến 500 sinh viên theo học các ngành đào tạo giáo viên tại nhà trường. Chương trình đào tạo, ngoài việc trang bị các kiến thức chuyên ngành còn có các hoạt động thực hành sư phạm, kiến tập, thực tập, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên cho người học.

             Nắm bắt được xu hướng giáo dục mới, trường CĐSP Hòa Bình thành lập Trường Phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành từ năm học 2017-2018 với kinh nghiệm học hỏi từ mô hình hoạt động của trường Phổ thông Olympia Hà Nội và một số trường phổ thông khác có mô hình giáo dục tiên tiến. Việc thành lập trường phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành trực thuộc trường CĐSP Hòa Bình đáp ứng yêu cầu rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, kiến tập, thực hành, thực tập cho sinh viên các ngành đào tạo sư phạm tiểu học và trung học cơ sở, giúp sinh viên tăng thêm thời lượng thực hành, trải nghiệm và cơ hội được tiếp cận với thực tiễn giáo dục phổ thông; thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới; huy động và tận dụng được nguồn lực về đội ngũ giảng viên của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển toàn diện, phát triển năng khiếu học sinh theo yêu cầu đổi mới giáo dục; đáp ứng nhu cầu của các bậc phụ huynh và học sinh được học tập trong môi trường giáo dục chất lượng, an toàn và thân thiện.

            Trường phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành là mô hình trường phổ thông thực hành công lập tự chủ cho bậc học tiểu học và trung học cơ sở duy nhất cung cấp các dịch vụ giáo dục chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tính đến thời điểm hiện tại.

II. Kinh nghiệm quản trị, quản lý điều hành hoạt động trường phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành

            Căn cứ theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT quy định về chuẩn hiệu trường cơ sở giáo dục phổ thông, quản trị nhà trường được quy định như sau: Quản trị, quản lý điều hành hoạt động của nhà trường là quá trình xây dựng các định hướng, quy định, kế hoạch hoạt động trong nhà trường; tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục học sinh phổ thông qua huy động, sử dụng các nguồn lực, giám sát, đánh giá, trên cơ sở tự chủ, có trách nhiệm giải trình để phát triển nhà trường theo sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu giáo dục của nhà trường.

            Trong 2 năm  học 2017-2018, 2018-2019 và năm học 2019-2020, Trường phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành thuộc trường CĐSP Hòa Bình đã đạt được một số thành công nhất định trong công tác quản trị, quản lý điều hành hoạt động dạy học và giáo dục học sinh của nhà trường. Cụ thể như sau:

1. Về xây dựng cơ cấu bộ máy, tổ chức của Nhà trường

            Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên chức đang giảng dạy và làm việc tại trường phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành là 57. Trong đó, trình độ tiến sỹ là 01, thạc sỹ 25, cử nhân đại học 14, cử nhân cao đẳng 08, trung cấp 09. Cơ cấu bộ máy tổ chức của nhà trường được xây dựng theo đúng quy định của Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đội ngũ cán bộ giáo viên được xây dựng dựa trên khung cán bộ giảng viên đang giảng dạy các môn khoa học cơ bản các môn nghệ thuật và phương pháp dạy học của trường CĐSP Hòa Bình. Đây là đội ngũ giảng viên có chất lượng tốt với trình độ đào tạo trên chuẩn, có kiến thức về phương pháp dạy học phổ thông, có kỹ năng kinh nghiệm giảng dạy phong phú. Nhiều giảng viên cùng lúc thực hiện công tác đào tạo sinh viên sư phạm và giáo dục học sinh phổ thông nên có sự gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn giáo dục.

            Ngoài đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường CĐSP Hòa Bình đang thực hiện nhiệm vụ giảng dạy tại trường phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành, hàng năm Nhà trường chủ động tuyển dụng những sinh viên xuất sắc tốt nghiệp các ngành học sư phạm Tiểu học và THCS trong trường CĐSP Hòa Bình để bổ sung nguồn giáo viên có chất lượng cho nhà trường, đảm bảo trẻ hóa đội ngũ.     

2. Về xây dựng mục tiêu, định hướng, kế hoạch hoạt động của nhà trường

            Trường Phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành là đơn vị công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP  ngày 14/02/2015 của Chính phủ. Nhà trường hoạt động trên cơ sở tuân thủ Điều lệ trường Trung học cơ sở, trung học phổ thông có nhiều cấp học và Quy chế hoạt động của trường thực hành sư phạm.

            Ngay từ khi thành lập Nhà trường đã xác định mục tiêu xây dựng mô hình trường phổ thông thực hành có hệ thống các lớp học và các công trình phụ trợ liên hoàn, có chất lượng, đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động dạy và học tương xứng với vai trò và vị thế của loại hình đào tạo các lớp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người học để nhà trường thực sự là mũi nhọn chất lượng trong thực hiện chiến lược phát triển giáo dục của ngành, tạo lòng tin đối với học sinh và nhân dân trong thành phố Hòa Bình và các khu vực lân cận; tạo điều kiện tốt nhất cho công tác rèn nghề của sinh viên trường CĐSP Hòa Bình.

            Nhà trường đã làm tốt công tác dự báo xu hướng phát triển của giáo dục phổ thông của thành phố Hòa Bình trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài để xây dựng chủ trương, chính sách, kế hoạch hành động cho nhà trường. Nội dung của dự báo bao gồm các biến động bên trong, bên ngoài của nhà trường theo chiều hướng có lợi và không có lợi trên các phương diện thẩm quyền, nguồn lực, nhiệm vụ để có định hướng phát triển nhà trường phù hợp. Sau 03 năm thành lập, năm học 2019-2020 quy mô lớp học là là 17 lớp (với tối đa 30 học sinh/ lớp): từ lớp 1 đến lớp 9 với 469 học sinh đang học tập và rèn luyện trong nhà trường.

            Căn cứ vào mục tiêu, định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm của từng năm học, hàng năm Nhà trường xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể cho cả năm, từng học kỳ, từng tháng trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp, nguồn lực để thực hiện kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể, các chỉ tiêu phân đấu cho từng tổ chuyên môn, từng cá nhân cán bộ giáo viên của nhà trường. Hàng tuần, hàng tháng có đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ được giao, có sơ kết học kỳ, tổng kết năm học để đánh giá toàn diện hoạt động dạy học và giáo dục học sinh của nhà trường.

3. Về tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục học sinh

3.1. Về chương trình giáo dục

            Là trường phổ thông thực hành công lập chịu sự quản lý về chuyên môn của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hòa Bình, trường phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành thực hiện chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; thực hiện kế hoạch, thời gian năm học theo hướng dẫn của Bộ giáo dục và Đào tạo. Căn cứ vào kế hoạch giáo dục và kế hoạch thời gian năm học, Nhà trường cụ thể hóa các hoạt động giáo dục và hoạt động dạy học, xây dựng thời khóa biểu phù hợp với tâm lý, sinh lý lứa tuổi học sinh phù hợp với điều kiện của địa phương.

            Học sinh khuyết tật học hòa nhập được thực hiện theo kế hoạch dạy học linh hoạt phù hợp với khả năng của từng cá nhân và Quy định về giáo dục hòa nhập dành cho người khuyết tật. Ngoài chương trình giáo dục theo quy định, nhà trường còn tăng cường thực hiện một số chương trình giáo dục can thiệp nhằm tạo môi trường học tập tích cực, an toàn, thân thiện giúp học sinh khuyết tật hòa nhập tốt với cộng đồng.

            Ngoài chương trình giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, trường Phổ thông thực hành Chất lượng Nguyễn Tất Thành còn đưa vào thực hiện một số chương trình giáo dục chất lượng cao như: chương trình nâng cao các bộ môn văn hóa, tiếng Anh, Thể chất, Nghệ thuật... Thực hiện chương trình sinh hoạt với các hình thức câu lạc bộ, chương trình giáo dục kỹ năng sống, giao lưu học tập, thể dục thể thao.

            Chương trình giáo dục được xây dựng và thực hiện trên cơ sở cân đối tỷ lệ lý thuyết và thực hành, tạo nhiều cơ hội cho học sinh được tham gia thực hành thí nghiệm, điền dã, trải nghiệm thực tiễn. Có thể kể đến một số chương trình môn học  sau: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Văn học, Lịch sử, Địa lý, Mỹ thuật, Tin học...

3.2. Hoạt động giáo dục

            Hoạt động giáo dục của nhà trường bao gồm các hoạt động ngoài giờ lên lớp và hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm rèn luyện đạo đức, phát triển năng lực, bồi dưỡng năng khiếu, giúp đỡ học sinh yếu phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo được tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học, được thực hiện theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp và một số hoạt động được thực hiện theo quy mô toàn trường. Một số hình thức tổ chức chủ yếu như sinh hoạt tập thể, trò chơi, diễn đàn, giao lưu, tham quan thực địa, thực hành lao động. câu lạc bộ, các hoạt động phục vụ công đồng.

3.3. Một số hoạt động ngoại khóa tiêu biểu

            Ngoài việc tổ chức thực hiện chương trình và các hoạt động giáo dục theo quy định, trong những năm học vừa qua, trường Phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành đã tổ chức một số hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động ngoại khóa theo chủ đề, các hoạt động xã hội, từ thiện trong và ngoài địa bàn, các hoạt động hợp tác quốc tế với các trường tiểu học, trung học, các trường đại học nước ngoài để tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thú vị cho học sinh, tăng cường tinh thần tập thể, đoàn kết, lòng nhân ái, tự tin, mạnh dạn khi tham gia các hoạt động tập thể. Có thể kể đến các hoạt động sau:

            - Hợp tác với trường tiểu học Jaques JANIER, Sauverny - Cộng Hòa Pháp xây dựng và thực hiện Dự án "Trao đổi giao lưu văn hóa và học tiếng Anh" dưới hình thức  online và offline. Dự án đã và đang được thực hiện từ tháng 9 năm 2019. Bước đầu đã có hoạt động trao đổi giữa học sinh 2 nhà trường như viết thư tay và gửi thiệp chúc mừng Halloween. Hiện tại nhà trường đang tích cực tìm kiếm và mở rộng hoạt động hợp tác với một số trường trung học tại Sauverny - Pháp và Geneva-Thụy Sỹ.

            - Tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, ngôn ngữ giữa học sinh Nhà trường và sinh viên trường Đại học Polytechnic Temasake, Singapore.

            - Thực hiện dự án "Teaching English for mental disabled primary students" cho 10 học sinh hòa nhập của nhà trường và đang tiếp tục thực hiện dự án “Tuyên truyền giáo dục xâm hại tình dục cho học sinh THCS” thuộc chương trình Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á do Đại sứ quán Mỹ tài trợ. 

            - Tổ chức ngày hội STEM Fair 2019 với chủ đề "Chạm tới đam mê", "Ngày hội học sinh tiểu học" và một số các ngày hội khác chào đón Halloween, Christmas, New Year... 

            -  Tổ chức cho giáo viên và học sinh tham gia thiết kế pano, aphich, tranh cổ động các hoạt động giáo dục của nhà trường nhằm rèn luyện đạo đức, phát triển năng lực và bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh.

            - Trong một số giờ sinh hoạt, tổ chức cho học sinh xem các bộ phim tài liệu hoặc phim truyện có tính giáo dục cao. Ví dụ, trong tháng 10 năm 2019 nhà trường đã tổ chức cho 176 học sinh trung học cơ sở xem bộ phim tài liệu "Sur le Chemin de l'e'cole - On the way to school" bộ phim đạt giải Ce'sar 2014, kể về những khó khăn vất vả và hiểm nguy trên con đường đến của rất nhiều bạn nhỏ trên thế giới, từ đó nhằm thúc đẩy học sinh nhà trường cố gắng hơn nữa trong học tập và rèn luyện. Bên cạnh đó, nhà trường đã phối hợp với nhiều tổ chức xã hội để triển khai các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh: thực hiện chương trình giáo dục kỹ năng sống Poki cho học sinh tiểu học; chương rèn kỹ năng về tự bảo về bản thân cho học sinh tiểu học và phòng tránh bạo lực học đường cho học sinh trung học cơ sở do Trung tâm công tác xã hội tỉnh Hòa Bình tài trợ.

4. Một số điểm mới trong tổ chức thực hiện chương trình và hoạt động giáo dục so với các trường phổ thông công lập trên địa bàn

            Là trường phổ thông thực hành của trường CĐSP Hòa Bình, với mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục chất lượng cao, ngoài việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục hiện hành theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình, Trường phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành còn hướng đến việc tổ chức thực hiện các chương trình, hoạt động giáo dục với những điểm nhấn tạo sự khác biệt theo xu thế mới của giáo dục hiện đại để thu hút học sinh tham gia học tập và rèn luyện.

            Đối với các môn khoa học tự nhiên: bên cạnh các giờ học lý thuyết, thời lượng dành cho hoạt động thí nghiệm, thực hành khá lớn. Học sinh được tiến hành các hoạt động thực hành, thí nghiệm tại các phòng thí nghiệm hóa học, vật lý, sinh học, tin học của trường CĐSP Hòa Bình với đầy đủ máy tính, trang thiết bị học tập, hóa chất, mẫu vật......hoặc thực hiện các hoạt động trải nghiệm môn học ngoài lớp học.

 

            Đối với các môn khoa học xã hội: hoạt động tham quan, điền dã để gắn kết lý thuyết với thực tiễn được nhà trường chú trọng thực hiện. Các hoạt động này được thực hiện song song với các nội dung về lý thuyết được học trên lớp. Ví dụ đối với môn Tự nhiên - Xã hội, Tiếng Việt, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Mỹ thuật... nhà trường thường tích hợp các nội dung môn học tổ chức đưa học sinh tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và các tỉnh, thành phố lân cận. Một số điểm đến tiêu biểu được nhà trường lựa chọn là: Không gian Văn hóa Mường, Công viên Di sản Các nhà khoa học, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Viện bảo tàng Lịch sử, Viện bảo tàng Mỹ thuật, Lăng Bác - Viện Bảo tàng Hồ chí Minh và một số di tích lịch sử văn hóa tại thành phố Hà Nội. Đây là hoạt động thường niên đối với tất các các khối lớp học từ lớp 1 đến lớp 9.

              Các môn học nghệ thuật như Âm nhạc, Mỹ thuật được học sinh rất yêu thích và say mê học tập. Nhà trường có các phòng học chuyên biệt như phòng học hát, phòng múa, phòng Mỹ thuật với  đầy đủ trang thiết bị học tập để giáo viên và học sinh sáng tạo nghệ thuật, phát triển thẩm mỹ của bản thân.

            Học sinh hòa nhập đang theo học tại nhà trường được đặc biệt quan tâm. Ngoài thời gian học hòa nhập trên lớp, các em được tham gia các lớp học can thiệp đặc biệt tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập của Trường CĐSP Hòa Bình với thời lượng 2 buổi/ tuần.

            Công tác đánh giá học sinh được thực hiện nghiêm túc, thực chất, không chạy theo bệnh thành tích. Học sinh được đánh giá dựa trên sự tiến bộ của bản thân.         Nhà trường đã thành lập nhiều câu lạc bộ để thu hút học sinh tham gia như Câu lạc bộ tiếng Anh, Thiện nguyện, Handmade, Thể thao (bóng đá, bóng rổ)... và dành các buổi chiều thứ 5 hàng tuần để các câu lạc bộ hoạt động.

            Nhà trường đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác mật thiết với tổ chức, cá nhân nước ngoài để tiếp nhận tình nguyện viên về tham gia trợ giảng tiếng Anh cho tất cả các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 9. Năm học 2017-2018 có 01 tình nguyện viên người Pháp, Năm học 2018-2019 có 01 tình nguyên viên người Pháp, 01 tình nguyện viên người Mỹ (tổ chức Fulbright); năm học 2019-2020 có 02 tình nguyện viên người Đức tới từ tổ chức VPV. Sự tham gia giảng dạy của các tình nguyện viên người nước ngoài đã tạo cơ hội cho học sinh được học tập, rèn luyện, phát triển khả năng nghe nói tiếng Anh ngày càng tốt hơn. Đây cũng là cơ hội giáo viên và học sinh được tìm hiểu, trao đổi giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế. 

            Nhà trường có không gian lớp học rộng rãi đầy đủ phương tiện dạy học như máy chiếu, tivi, điều hòa, được trang trí giàu tính nghệ thuật góp phần tạo không khí học tập thân thiện, an toàn và vui vẻ cho giáo viên và học sinh.

            Nhà trường cũng thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ phục vụ cho các hoạt động giáo dục học sinh: Bếp ăn bán trú cung cấp đủ chỗ và xuất ăn cho gần 500 học sinh mỗi ngày và được trang bị đầy đủ tiện nghi: máy điều hòa, bàn ghế và các trang thiết bị phục vụ hoạt động ăn bán trú; quy trình nấu ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đầy đủ chất dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi học sinh của nhà trường. Dịch vụ đưa đón học sinh của nhà trường cũng được thực hiện tốt với quy trình đón trả học sinh chặt chẽ. Hiện tại, trường Phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành có 7 xe 30 chỗ đưa đón hơn 200 học sinh hàng ngày; tổ chức đón học sinh sớm, quản lý học sinh về muộn; tổ chức các nhóm, lớp phát triển năng khiếu; cung cấp dịch vụ giáo dục can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, tăng động...

5. Tổ chức các hoạt động thực tập, kiến tập, nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên

            Hàng năm nhà trường tiếp nhận hàng trăm lượt sinh viên sư phạm tiểu học và các ngành khối trung học cơ sở đến dự giờ, quan sát các hoạt động giáo dục, kiến tập, thực tập công tác chủ nhiệm và công tác giảng dạy tại nhà trường. Việc tổ chức thực hiện các nội dung thực hành, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên diễn ra hết sức thuận lợi dưới sự hướng dẫn của giảng viên trên các khoa sư phạm và giáo viên của trường thực hành. Sau mỗi nội dung lý thuyết học trên lớp, sinh viên được xuống trực tiếp các nhóm lớp để thực hành. Đây là cơ hội và điều kiện thuận lợi để sinh viên vận dụng lý thuyết đã học vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của trường CĐSP Hòa Bình  

6. Nguyên nhân của những thành công trong công tác quản trị, quản lý điều hành hoạt động của trường phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành

            Có thể thấy trường phổ thông Thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành thuộc trường CĐSP Hòa Bình trong những năm quan đã gặt hái được những thành công trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Để có được những kết quả trên Trường CĐSP Hòa Bình, trường phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành đã thực hiện tốt các công việc sau:

            Tạo được sự đồng thuận, nhất trí và quyết tâm cao trong tập thể cán bộ quản lý, giảng viên công nhân viên chức nhà trường xây dựng đề án, thành lập và đưa vào vận hành trường phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành.

            Nhà trường đã nhận được sự ủng hộ lớn từ các cấp chính quyền địa phương, của ngành giáo dục, của trường bạn, của phụ huynh và học sinh trong mọi hoạt động của nhà trường.

            Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường tâm huyết, trách nhiệm, nhiệt tình, có trình độ, có kinh nghiệm, không ngừng học hỏi để quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các hoạt động dạy học và giáo dục học sinh một cách hiệu quả.

Bên cạnh chương trình đào tạo chính nhà trường đã xây dựng được các chương trình đào tạo có tính khác biệt của nhà trường để hỗ trợ học sinh tiếp cận và vận dụng kiến thức một cách chủ động và linh hoạt góp phần hỗ trợ phát triển năng lực của học sinh.

            Việc tổ chức các lớp học với số lượng học sinh ít so với các lớp phổ thông đại trà tạo điều kiện cho giáo viên quan tâm đến từng học sinh hơn. Ngoài việc học chính khóa bắt buộc, học sinh còn được trang bị kỹ năng sống, phát triển năng khiếu.

            Nhà trường đã tận dụng được hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thư viện, sân chơi sẵn có của trường CĐSP Hòa Bình để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động giáo dục của trường thực hành.

            Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo và thông tin 2 chiều giữa trường thực hành và trường CĐSP Hòa Bình, giúp ban lãnh đạo trường CĐSP Hòa Bình có những chỉ đạo, điều hành, điều chỉnh kịp thời các hoạt động của trường thực hành.

            Trên cơ sở hoạt động tự đảm bảo toàn bộ kinh phí, chi phí hoạt động tài chính của trường thực hành được thực hiện theo nguyên tắc tự cân đối. Chính vì vậy, nhf trường được tự chủ tính toán, cân đối để chi trả lương và các hoạt động chuyên môn khác của nhà trường.    

7. Một số định hướng phát triển nhà trường trong những năm học tiếp theo

            Trong những năm học tiếp theo, trường Phổ thông chất lượng cao Nguyễn Tất Thành tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

            - Xây dựng nhà trường trở thành điểm sáng về giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố và trong tỉnh Hòa Bình trong đó học sinh phát triển toàn diện về Đức, Trí, Thể, Mỹ; giáo viên giỏi nghề, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt của mỗi học sinh.

            - Tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trong thời gian tới;

            - Tăng cường các hoạt động thực hành, thực tế, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong chương trình giáo dục của nhà trường;

            - Mở rộng hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, tiếp tục tìm kiếm các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) để phát triển nhà trường.

            -  Xây dựng môi trường chuyên nghiệp để sinh viên thực hành sư phạm, kiến tập, thực tập, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên một cách hiệu quả và có chất lượng.

            - Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại phục vụ tốt nhất cho các hoạt động giáo dục của nhà trường.

III. Kết luận

            Có thể thấy việc thành lập và đưa vào vận hành trường phổ thông thực chất lượng cao Nguyễn Tất Thành thuộc trường CĐSP Hòa Bình góp phần không nhỏ thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, thu hút thêm con em của nhân dân trong địa bàn thành phố Hòa Bình và các vùng lân cận đến học tại trường đảm bảo cho học sinh được học tập và giáo dục trong môi trường chất lượng cao. Với nhiệm vụ là tạo môi trường thực hành thực tập, rèn luyện nghiệp vụ cho sinh viên sư phạm, Nhà trường đã tạo điều kiện cho sinh viên  kiểm chứng giữa lý thuyết và thực tiễn, được tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới. Căn cứ vào thực tiễn giảng dạy và hướng dẫn thực hành sư phạm cho sinh viên, đội ngũ giảng viên và giáo viên của trường thực hành còn có thể tham gia đề xuất các ý kiến nhằm củng cố, nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo của nhà trường.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Kiểm (2016), Những vấn đề cơ bản của khoa học và khoa học quản lý giáo dục, NXB ĐHSP

2.  Trần Ngọc Giao (2015), Quản lý trường phổ thông, NXB GD

3. Allyn &Bacon (2001), Đánh giá lớp học, Jame H McMillan

4. Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình (2017), Đề án thành lập trường phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành thuộc trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, Hòa Bình

5. Trường phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành (2019), Phương hướng chiến lược xây dựng nhà trường giai đoạn 2019 -2024.

6. Trường phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành (2018), Báo cáo  kết quả thực hiện nhiệm vụ trong tâm năm học 2017-2018, số 27/BC-NTT

7. Trường phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành (2019), Báo cáo  kết quả thực hiện nhiệm vụ trong tâm năm học 2018-2019, số 39/BC-NTT

8. Trường phổ thông thực hành chất lượng cao Nguyễn Tất Thành (2019), Quy chế chuyên môn năm học 2019 -2020 được ban hành theo Quyết định số 64/QĐ-NTT.

 

 

Sửa lần cuối vào Thứ ba, 05 Tháng 5 2020 00:34
Ban Quản trị

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình có sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trường học từ bậc học mầm non đến trung học cơ sở; đào tạo nguồn nhân lực cho một số lĩnh vực khác đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hòa Bình.

Website: www.cdsphoabinh.edu.vn
  1. Bài viết nhiều người đọc
  2. Bài viết ưa thích

LỊCH - THỜI GIAN

« March 2024 »
Mon Tue Wed Thu Fri Sat Sun
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31

Chuyên mục