1. Sự ra đời và ý nghĩa của Ngày sách Việt nam.
Ngày sách trên thế giới
“Ngày hội đọc sách” ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, Vào ngày lễ Thánh Giooc-giơ 23/4, người ta yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Từ đó hằng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày Sách, Tuần lễ thư viện.
Năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới (có một sự trùng lặp đáng nhớ, bởi đó cũng là ngày mất của hai đại văn hào nổi tiếng tiếng giới: W. Shakespeare và M. Cervantes).
Trên thế giới, Lễ hội sách, Ngày hội đọc sách đã và đang mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả hết sức to lớn. Hằng năm, hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở mỗi nước; bất kể già, trẻ, gái, trai; bất kể mọi thành phần giàu, nghèo trong xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay thì việc tổ chức các Ngày sách và Văn hóa đọc càng góp phần khẳng định: Sách và văn hoá đọc mãi mãi trường tồn.
Ngày sách Việt Nam.
Ở Việt Nam, Ngày sách và Bản quyền thế giới (23/4) trở thành Ngày Hội sách và Văn hóa đọc. Phong trào đọc sách đã đi vào chiều sâu, có sức lan toả rộng khắp từ Trung ương tới các địa phương, tỉnh, thành trong cả nước.
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam. Quyết định 284/QĐ-TTg ghi rõ:
Điều 1. Lấy ngày 21 tháng 4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam.
Điều 2. Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm:
(1) Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
(2) Tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách.
(3) Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Ngày sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc.
Việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Ngày 21/4 là ngày ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam: Cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.
Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, Ngày sách và Bản quyền thế giới, nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, khơi dậy lòng yêu sách, hình thành thói quen đọc sách, ý thức tự học, học tập suốt đời của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng xã hội học tập;
Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7 được tổ chức với hình thức, nội dung thiết thực, hiệu quả và phù hợp với tình hình cả nước đang tích cực chung tay phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chính vì vậy thông qua Ngày sách Việt Nam, Thư viện Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình muốn gửi đến tất cả các bạn học sinh thông điệp về tầm quan trọng của việc đọc sách, khuyến khích tất cả mọi người hãy dùng thời gian đọc sách được rèn luyện kỹ năng thói quen và phương pháp đọc sách phù hợp có hiệu quả. Từ đó, giúp các bạn không ngừng mở rộng, nâng cao kiến thức, tiếp cận được sự phát triển của khoa học , bồi dưỡng nâng cao năng lực, tư duy logic, phương pháp làm việc có hiệu quả, có thái độ đúng đắn với thế giới xung quanh cũng như với bản thân, nhất là bồi dưỡng sự hứng thú, năng lực và thói quen tự học suốt đời của mình.